Bộ Công Thương lo ngại sẽ làm khó doanh nghiệp nếu ban hành tiêu chí hàng hóa ‘made in Vietnam’

Ngày:

Theo Bộ Công Thương, việc quy định ở cấp thông tư về hàng hóa “sản xuất tại Việt Nam” (made in Vietnam) sẽ mang tính pháp lý chặt chẽ hơn quy định hiện nay, có thể gây nên “tiềm ẩn rủi ro pháp lý, dễ vấp phải phản ứng tiêu cực từ doanh nghiệp”.

Thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến việc thực hiện giám sát chuyên đề, chất vấn trong lĩnh vực công thương. Trong đó, báo cáo đã nêu ra vướng mắc, cũng như lý do vì sao quy định về hàng sản xuất tại Việt Nam hay còn gọi là “made in Vietnam” vẫn chưa được ban hành, mặc dù cơ quan này đề xuất xây dựng từ năm 2018.

-6365-1691459402.jpg

Việc quy định ở cấp thông tư về hàng hóa “sản xuất tại Việt Nam” có thể làm khó cho doanh nghiệp. 

Báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Công Thương cho biết, ban đầu cơ quan này đề xuất Chính phủ xây dựng thông tư “sản xuất tại Việt Nam”. Tuy vậy, khi đưa ra lấy ý kiến các bộ, ngành lại phát sinh các chính sách vượt thẩm quyền. Vì vậy, Bộ Công Thương xin chuyển hướng sang xây dựng nghị định.

Nhưng quy định này chưa ra đời thì năm 2021, Nghị định 111 sửa đổi, bổ sung Nghị định 43 về nhãn hàng hóa được ban hành. Nội dung về cách ghi nhãn hàng hóa được đưa vào văn bản này.

Theo đó, quy định “sản xuất tại Việt Nam” sẽ chỉ tập trung vào việc đưa ra bộ tiêu chí xuất xứ để xác định hàng sản xuất tại Việt Nam, là cơ sở ghi nhãn xuất xứ hàng hóa. Với quy định này, việc xây dựng văn bản “sản xuất tại Việt Nam” ở cấp nghị định lúc này không còn cần thiết.

Tháng 5/2022, Chính phủ đồng ý cho Bộ Công Thương quay trở lại xây dựng quy định ở cấp thông tư, thay vì nghị định. Tuy vậy, một lần nữa, việc xây dựng văn bản này gặp không ít khó khăn, vướng mắc do thẩm quyền ban hành đang “vênh” với chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công Thương.

Bộ trưởng Bộ Công Thương lo ngại việc quy định ở cấp thông tư về hàng hóa “sản xuất tại Việt Nam” sẽ mang tính pháp lý chặt chẽ hơn quy định hiện nay, có thể gây nên “tiềm ẩn rủi ro pháp lý, dễ vấp phải phản ứng tiêu cực từ doanh nghiệp”.

Quy định của thông tư chỉ áp dụng khi thương nhân có nhu cầu ghi nhãn “sản xuất tại Việt Nam” với hàng hóa của mình (nghĩa là hàng hóa nào muốn dán nhãn này thì mới bị điều chỉnh). Trường hợp hàng không ghi xuất xứ Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng bởi chính sách này.

Trong khi Nghị định 111 quy định “xuất xứ hàng hóa” là một nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa, trong khi với thông tư lại không bắt buộc. Vì vậy, nếu quy định này được ban hành, phạm vi tác động sẽ rất lớn.

Theo đánh giá, quy định này có thể gây trở ngại với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, hộ kinh doanh cá thể, làm phát sinh chi phí tuân thủ lớn. Hoạt động truy xuất nguồn gốc, xác định xuất xứ của từng linh kiện, nguyên liệu không phải dễ dàng, rất tốn kém.

Theo Bộ Công Thương, khi chưa có quy định này thì doanh nghiệp vẫn đang xác định hàng sản xuất tại Việt Nam theo nguyên tắc tại Nghị định 111.

Do vậy, trong bối cảnh nền kinh tế đang khó khăn, việc ban hành quy định điều kiện mới có khả năng phát sinh chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp là chưa phù hợp. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương sẽ cùng Bộ Tư pháp nghiên cứu, xử lý những vướng mắc về thẩm quyền ban hành thông tư và xem xét ban hành quy định này theo thẩm quyền tại thời điểm thích hợp để hạn chế tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Nguyệt Ánh 

(Theo vnbusiness.vn)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

For security, use of Google's reCAPTCHA service is required which is subject to the Google Privacy Policy and Terms of Use.

I agree to these terms.

Chia sẻ bài viết:

Đăng ký nhận tin

spot_imgspot_img

Nổi bật

Có thể bạn quan tâm
Related