Mối lo bảo hộ ngược làm ngành hàng nông sản Việt thua thiệt trên ‘sân nhà’

Ngày:

Nhìn vào bất lợi của hai mảng chăn nuôi và phân bón nội địa trước sức ép nhập khẩu từ những sản phẩm cùng loại giá rẻ sẽ thấy có một phần từ sự bất cập ở chính sách thuế. Trước mối lo bảo hộ ngược làm lợi cho hàng nhập và làm cho ngành hàng nông sản Việt thua thiệt trên “sân nhà”, đang đòi hỏi cần có những nắn chỉnh về chính sách thuế (thuế Giá trị gia tăng) một cách hợp lý hơn.  

Ghi nhận vào ngày 9/8 cho thấy giá lợn hơi trong nước tiếp tục xu hướng tăng giá và hiện đang dao động trong khoảng 62.000 – 64.000 đồng/kg (ở các tỉnh miền Bắc), còn các tỉnh miền Nam trong khoảng 57.000 – 60.000 đồng/kg.

Nhìn từ “bàn thua” trước thịt nhập

Xu hướng tăng giá lợn hơi có thể giúp các doanh nghiệp (DN) sản xuất thịt nội địa cải thiện biên lợi nhuận. Tuy nhiên, có một mối lo là khi giá tăng thì người tiêu dùng có thể lại quay qua sử dụng thịt lợn nhập khẩu (NK) giá rẻ.

-6284-1691574219.png

Thịt nhập giá rẻ khiến cho ngành chăn nuôi nội địa thua thiệt ngay trên “sân nhà”.

Nhất là những đánh giá mới đây cho thấy NK thịt và các sản phẩm thịt lại đang có dấu hiệu gia tăng trở lại trong quý 2/2023. Như số liệu của Tổng cục Hải quan, trong quý 2 vừa qua Việt Nam đã NK 165,12 nghìn tấn thịt và sản phẩm từ thịt, trị giá 326,8 triệu USD, tăng 26,6% về lượng và tăng 20,4% về trị giá so với quý I/2023.

Ấn Độ, Nga, Hoa Kỳ, Brazil và Ba Lan là 5 thị trường lớn nhất cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt cho Việt Nam trong quý 2 vừa qua. Việc các loại thịt ngoại nhập khẩu ngày càng nhiều vào nước ta được Bộ Công Thương nhận định, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chăn nuôi nông hộ, do chất lượng thịt ngoại rất cạnh tranh, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

Và nếu tính chung trong nửa năm qua, Việt Nam đã chi gần 626 triệu USD (khoảng 14.700 tỉ đồng) để NK thịt heo, thịt gà, thịt bò, thịt trâu…Điều đáng nói, trong khi thịt nhập vẫn ào ạt tràn vào thì nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong nước phải dừng nuôi vì không thể bù lỗ do giá nguyên liệu đầu vào ở mức cao trong khi giá xuất bán sản phẩm đầu ra không ổn định. 

Cần nhắc thêm, hồi tháng 6/2023, trong đơn kiến nghị gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng một số bộ, ngành liên quan mới đây, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA) có lưu ý thuế NK sản phẩm chăn nuôi giảm nên hàng NK ngày càng rẻ.

Trong khi đó, ngành chăn nuôi Việt Nam đang phải NK từ nguyên liệu thức ăn đến con giống, thuốc thú y…nên giá thành cao hơn nhiều nước phát triển về chăn nuôi.

Theo Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán VnDirect, ước tính chi phí sản xuất bình quân của các DN sản xuất thịt trong nước vào khoảng 50.000-52.000/kg lợn hơi. 

Thực tế cho thấy các DN ngành thịt nội địa vẫn phải đối mặt với nhiều trở ngại, nhất là giá thức ăn chăn nuôi thường xuyên neo ở mức cao. Điều đáng nói, chi phí nguyên liệu thô (ngô, đậu tương và lúa mì) chiếm 80-85% chi phí thức ăn chăn nuôi. Và chi phí thức ăn chăn nuôi hiện chiếm 50% chi phí sản xuất trong chăn nuôi. 

Cần nắn chỉnh lại thuế VAT

Bởi vì giá thành chăn nuôi trong nước khá cao nên không thể cạnh tranh với nguồn thịt NK với giá rẻ hơn từ các quốc gia khác. Đáng chú ý, đã có những thời điểm thuế NK đối với sản phẩm thịt ngoại đã được đề xuất giảm nhằm giúp cho người tiêu dùng hưởng lợi, càng làm cho ngành chăn nuôi trong nước thêm điêu đứng.

Không chỉ với mảng chăn nuôi, yếu tố bất lợi về chính sách thuế cũng đang ảnh hưởng đến ngành phân bón nội địa trước sức ép từ phân bón NK giá rẻ. Nhất là xu hướng tăng NK phân bón đang dần trở lại, như hồi tháng 6/2023  cả nước NK 415.200 tấn phân bón, tương đương 131 triệu USD, tăng mạnh 79,4% về sản lượng và tăng 21,9% kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.

Giới chuyên gia bày tỏ băn khoăn là do được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế nhập khẩu ở Việt Nam theo cam kết của các hiệp định thương mại tự do (FTA), doanh nghiệp phân bón nước ngoài có điều kiện hạ giá bán phân bón để cạnh tranh với phân bón nội địa.

Đó là chưa kể ở các quốc gia khác, do thuế Giá trị gia tăng (VAT) đối với mặt hàng xuất khẩu là 0% nên nhà sản xuất phân bón được hoàn thuế VAT đối với toàn bộ chi phí đầu vào chịu thuế VAT và giá thành sản phẩm xuất khẩu của họ không bao gồm thuế VAT của chi phí đầu vào.

Vấn đề là ở Việt Nam, các DN nội địa sản xuất phân bón (thuộc đối tượng không chịu thuế VAT) đang gặp khó khăn do không được kê khai, khấu trừ thuế VAT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ mà phải tính vào chi phí sản phẩm, khiến giá thành tăng, dẫn đến giá bán ra ngoài thị trường nội địa tăng cao, càng làm khó cho các nông dân. Và điều này cũng gây bất lợi khiến cho DN nội địa thua ngay trên “sân nhà” trong cạnh tranh với phân bón NK cùng loại.

Mới đây, khi góp ý vào Dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chỉ rõ Điều 5 của Luật Thuế giá trị gia tăng hiện quy định về đối tượng không chịu thuế gồm nhiều mặt hàng như nông sản chưa chế biến, giống cây trồng, giống vật nuôi, phân bón, máy nông nghiệp, tàu cá, thức ăn chăn nuôi, muối, phần mềm máy tính, và một số loại máy móc, thiết bị, vật tư khác…

Theo đó, các DN trong nước sản xuất hàng hoá thuộc nhóm này mặc dù đang được hưởng lợi là không phải đóng thuế VAT cho sản phẩm đầu ra, tuy nhiên cũng đồng thời không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào trong quá trình sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, sản phẩm tương tự nhập khẩu cũng không phải chịu thuế VAT khi nhập khẩu nhưng lại được hoàn thuế VAT khi xuất khẩu ra khỏi nước đối tác. 

“Như vậy, đối với các mặt hàng thuộc diện không chịu thuế, hàng hoá NK đang có chi phí thuế thấp hơn hàng hoá sản xuất trong nước. Quy định về đối tượng không chịu thuế VAT đang gây tác động không mong muốn là bảo hộ ngược, khuyến khích NK hàng hoá thay vì sản xuất trong nước. Hàng hoá NK có chi phí thuế thấp hơn so với hàng hoá sản xuất trong nước chính là chi phí thuế VAT chưa được khấu trừ kể trên”, phía VCCI nêu rõ.

Vậy đâu là giải pháp để hóa giải bất cập này? Có lẽ vấn đề nêu trên cần được giải quyết một cách thấu đáo trong sửa đổi Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi) lần này, nhất là cần tiếp tục rà soát để loại bỏ các mặt hàng thuộc đối tượng không chịu thuế, nếu không sẽ khiến cho ngành hàng nông sản Việt tiếp tục chịu thua thiệt ngay trên “sân nhà”.

                                                                                 Thế Vinh

(Theo vnbusiness.vn)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

For security, use of Google's reCAPTCHA service is required which is subject to the Google Privacy Policy and Terms of Use.

I agree to these terms.

Chia sẻ bài viết:

Đăng ký nhận tin

spot_imgspot_img

Nổi bật

Có thể bạn quan tâm
Related