Nâng trần giá vé máy bay: Hàng không ‘làm khó’ du lịch?

Ngày:

Du lịch Phú Quốc (Kiên Giang) đã từng chịu thiệt hại do giá vé máy bay tăng mạnh trong dịp nghỉ lễ 30/4 vừa qua, nên việc tăng trần giá vé máy bay của ngành hàng không khiến doanh nghiệp lữ hành lo ngại sẽ tác động không nhỏ đến doanh thu và lượng khách nội địa.

Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư sửa đổi bổ sung một số điều Thông tư số 17/2019 về khung giá vé máy bay trên các đường bay nội địa. Trong đó, đề xuất điều chỉnh một số đường bay tăng từ 50.000 – 250.000 đồng/vé tuỳ từng chặng bay so với quy định hiện hành.

Giá tour sẽ “đội” lên tới 30%

Trên thực tế, câu chuyện giá trần, giá sàn của ngành hàng không đã gây rất nhiều tranh cãi trước đây, nhưng tại thời điểm này mới thấy giá vé máy bay có thể ảnh hưởng thế nào đến các ngành khác, đặc biệt là du lịch, một cách rõ ràng nhất.

Theo các công ty lữ hành, giá vé máy bay hiện chiếm từ 40 – 60% giá tour trọn gói của họ. Vì vậy, nếu nâng trần giá vé máy bay tại một số chặng, giá tour có thể tăng từ 5 – 30%. Do đó, các doanh nghiệp e ngại khách có thể lựa chọn chuyển sang phương tiện khác hoặc đi những điểm gần hơn, sẽ ảnh hưởng đến du lịch nội địa, trước mắt là các đơn vị cung cấp dịch vụ điểm đến như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc.

-4272-1689410001.jpg

Các doanh nghiệp lữ hành lo ngại nếu tăng trần giá vé máy bay sẽ tác động không nhỏ đến doanh thu và lượng khách nội địa.

Trao đổi với VnBusiness, ông Nguyễn Trung Quân, Giám đốc Công ty du lịch hàng không (Aviatour) cho hay: Về mặt tức thời sẽ có ảnh hưởng tới chi phí đầu vào của các tour du lịch đường bay như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc. Đặc biệt là chi phí tăng ảnh hưởng tới lượng khách quốc tế sẽ vào Việt Nam trong thời gian tới.

“Tuỳ cự ly, ở chặng bay nội địa với hành trình bay ngắn, giá tour có thể tăng từ 200.000 – 300.000 đồng/khách, và tăng thêm trên 500.000 đồng/khách với các tuyến du lịch”, Giám đốc Aviatour cho hay.

Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng về mặt tích cực thì đây là xu thế tất yếu của thị trường cung – cầu, bởi hiện nay các chi phí cũng như tỷ giá biến động, việc tăng trần giá vé máy bay giúp các hãng hàng không “dễ thở hơn” và có thể tồn tại. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hàng không sẽ có sự cạnh tranh về chất lượng phục vụ, dịch vụ, mức giá, khi đó khách hàng có nhiều lựa chọn hơn.

Còn theo tính toán của Công ty du lịch Ceo Tour, nếu nâng trần giá vé máy bay tại một số chặng, giá tour có thể tăng từ 5 – 30%. “Giá tour có thể tăng từ 100.000 – 500.000/khách. Đây cũng là yếu tố giảm sức mua của khách hàng”, bà Lê Thị Minh Thanh, Giám đốc Công ty du lịch Ceo Tour, cho hay.

Trước đề xuất tăng trần giá vé máy bay, các chuyên gia cũng nhận định, sẽ tác động ngay đến chi phí đi lại của người dân, từ đó tác động đến số lượng du khách, doanh nghiệp du lịch sẽ gặp khó khăn trong việc mua vé cho khách của mình cũng như yêu cầu đi lại. Doanh thu của lĩnh vực này có thể bị giảm.

Thực tế, điều này đã từng xảy ra vào dịp 30/4 vừa qua khi giá vé máy bay chặng Hà Nội – Phú Quốc; Hà Nội – Nha Trang tăng mạnh, khiến nhiều khách chuyển sang phương tiện khác và địa điểm gần hơn. 

Cụ thể, 3 tuần trước kỳ nghỉ lễ 30/4, nhiều nhà hàng, khách sạn, quán ăn ở Phú Quốc, Nha Trang… “hụt hẫng” khi cao điểm nghỉ lễ nhưng lượng khách đặt phòng rất ít. 

Quản lý một khu resort ở Phú Quốc cho hay cơ sở trống khoảng 55% công suất phòng dịp lễ, trong khi một tháng trước, lượng khách đặt đã lên tới 80-85%, sau đó khách báo hủy dần. “Phú Quốc vắng khách vì vé máy bay cao”, vị này cho hay.

Chị Nguyễn Thị Bích Hồng, chủ đại lý vé máy bay tại Hà Nội chia sẻ: “Do nghỉ lễ dài ngày, các nhà đầu tư mảng nhà hàng, khách sạn chủ quan nghĩ rằng lượng khách sẽ vẫn đông như các năm trước. Nhưng giá vé máy bay tăng cao khiến cho các nhà kinh doanh rơi vào tình huống vắng khách, trống phòng, cho dù đã giảm giá rất nhiều nhưng vẫn ít khách. Giá vé máy bay lên đến 8 – 10 triệu đồng/khứ hồi, tăng gấp đôi ngày thường cho một chuyến du lịch nội địa khá đắt đỏ đối với khách trong nước”.

Nâng trần sẽ không thể là lý do để các hãng đồng loạt tăng giá vé?

Theo các chuyên gia, thị trường nội địa vẫn đang được xác định là bệ đỡ cho ngành du lịch trong bối cảnh thu hút khách quốc tế chưa phục hồi bằng thời điểm trước dịch Covid-19. Hơn nữa, năm nay, kinh tế khó khăn, lại thêm giá vé máy bay quá cao, người dân thắt chặt chi tiêu, giảm chi phí du lịch. Ngành du lịch – vốn được kỳ vọng sẽ đóng góp lớn cho phục hồi kinh tế, nhất là trong bối cảnh tăng trưởng quý II gần thấp nhất trong 13 năm qua, sẽ khó đạt được mục tiêu.

Hơn nữa, không phải cứ tăng giá vé máy bay sẽ mang về doanh thu khủng để bù lỗ cho ngành hàng không trong giai đoạn trước. Khi giá vé tăng, khách lựa chọn đi máy bay sẽ giảm thì chính các hãng hàng không cũng đối mặt với khó khăn.

Trở lại với câu chuyện nâng trần giá vé máy bay, chị Vũ Phương Dung (Hà Nội) cho rằng, thay vì lựa chọn những chặng bay có thể bị tăng giá vé, chị sẽ chọn các đường bay ngắn không có đề xuất tăng giá trần. “Tôi có thể cân nhắc chuyển địa điểm khác gần hơn, như Nghệ An, Huế hoặc đến các địa điểm không cần di chuyển bằng đường hàng không, tiết kiệm được 20 – 30% tổng dự chi của mình”, chị Dung nói. 

Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, việc nâng trần sẽ không thể là lý do để các hãng đồng loạt tăng giá vé. Việc điều chỉnh giá luôn cần được các doanh nghiệp cân nhắc kỹ lưỡng để không gây ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng cũng như mục tiêu đón 102 triệu lượt khách du lịch nội địa trong năm nay.

Hiện nay, giá dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường hàng không (bao gồm quốc tế và quốc nội) đều được thực hiện theo cơ chế giá linh hoạt. Đối với dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa, các hãng hàng không xây dựng và thực hiện kê khai với nhiều mức giá từ thấp đến cao tùy theo điều kiện vé, thời điểm xuất vé, tình hình thị trường…

Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam Bùi Doãn Nề cho rằng, việc nới giá trần sẽ không thể là lý do để các hãng đồng loạt tăng giá vé. Việc này chỉ giúp hãng hàng không có thêm dư địa để thực hiện chính sách giá vé linh hoạt, giãn biên độ giữa các mức giá vé, đưa thêm nhiều chương trình, chính sách phù hợp, đáp ứng nhu cầu của hành khách tham gia giao thông bằng đường hàng không.

Theo đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải, những đường bay dưới 500 km như Hà Nội – Vinh, TP Hồ Chí Minh – Cần Thơ và đường bay phát triển kinh tế – xã hội như Hà Nội – Điện Biên, TP Hồ Chí Minh – Côn Đảo… sẽ không tăng giá trần. Còn các đường bay 500 km trở lên đều được đề xuất tăng trần giá vé từ 50.000 – 250.000 đồng/vé. Trong đó, đường bay trên 1.280 km như Hà Nội – Phú Quốc, Hà Nội – Cần Thơ tăng cao nhất, lên mức trần 4 triệu đồng/vé.

Thanh Hoa

(Theo vnbusiness)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

For security, use of Google's reCAPTCHA service is required which is subject to the Google Privacy Policy and Terms of Use.

I agree to these terms.

Chia sẻ bài viết:

Đăng ký nhận tin

spot_imgspot_img

Nổi bật

Có thể bạn quan tâm
Related

Phát triển ô tô điện: Hỗ trợ thuế phí là chưa đủ

Lượng ô tô điện bán ra tại Việt Nam...

Xuất khẩu có thoát cảnh ‘ngủ đông’ trong nửa cuối năm?

Nhiều tín hiệu cho thấy xuất khẩu của Việt...

Xuất khẩu cao su đạt 765,37 nghìn tấn trong 6 tháng

Giá tiêu sáng nay (17/7) trong khoảng 67.000 -...

Sau 6 ngày đi ngang, giá tiêu bật tăng 500 đồng/kg

Giá tiêu sáng nay (19/7) trong khoảng 67.000 -...