Bế tắc hoàn thuế VAT: Lỗi do cơ quan thuế và doanh nghiệp?

Ngày:

Thời gian qua phát hiện nhiều doanh nghiệp cố tình gian lận để chiếm dụng tiền hoàn thuế, đặc biệt là vụ việc của Thuduc House đã tác động lớn đến tâm lý của cán bộ thuế khi hàng chục cán bộ thuế, hải quan dính sai phạm, liên đới sai phạm bị khởi tố điều tra vì hoàn thuế khiến ngành thuế siết chặt công tác quản lý.

Số liệu mới nhất từ Tổng cục Thuế, trong 6 tháng đầu năm 2023, cơ quan thuế đã ban hành 8.510 quyết định tương ứng số thuế đã hoàn 61.093 tỷ đồng, bằng 33% so với kinh phí hoàn thuế GTGT năm 2023 đã được Quốc hội phê duyệt.

‘Tiền của mình mà như đi xin’

Hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) là câu chuyện nóng bỏng suốt thời gian qua. Chia sẻ tại hội nghị sơ kết công tác thuế 6 tháng đầu năm mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết: Hội nghị, diễn đàn nào do ông chủ trì doanh nghiệp cũng kêu về câu chuyện hoàn thuế, có những ý kiến rất gay gắt.

-3957-1690112467.jpg

Rất nhiều chỉ đạo gỡ vướng hoàn thuế VAT nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn mòn mỏi đợi chờ.

Theo các doanh nghiệp, họ đã ứng trước nộp vào ngân sách nhưng khi làm hồ sơ hoàn thuế thì… như đi xin. Cơ quan thuế đòi hỏi thêm rất nhiều thủ tục làm kéo dài quá trình giải quyết hồ sơ hoàn thuế. Cụ thể như xác minh từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng, xác minh nước ngoài, thanh tra tới lui không ra được biên bản kết luận thanh tra, làm kéo dài quá trình hoàn thuế.

Trong một toạ đàm gần đây, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, trưởng ban pháp chế (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dẫn chứng, có doanh nghiệp sản xuất nội địa có hàng xuất khẩu gần 100 thị trường trên thế giới, doanh thu mỗi tháng 460 tỷ đồng gửi cả bộ hồ sơ đến VCCI nói họ rất khốn khổ do bị chậm hoàn thuế VAT.

“Việc hoàn thuế trục trặc vì ngành thuế cho rằng một doanh nghiệp trong chuỗi của doanh nghiệp này chuyển trụ sở hay trụ sở không rõ ràng gì đó nên họ được đưa vào diện xét duyệt, phải xác minh thay vì hoàn trước kiểm sau như trước đây”, ông Tuấn nói và cho biết quá trình xác minh có thể mất rất nhiều tháng và không biết khi nào có thể xong.

Hoàn thuế VAT cũng là câu chuyện cấp bách với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cao su, gỗ. Gần một năm qua doanh nghiệp cao su liên tục kêu cứu vì bị treo tiền hoàn thuế cả trăm tỷ, chờ đợi đến kiệt quệ. Còn thông tin theo cập nhật chưa đầy đủ của các doanh nghiệp hội viên Hiệp hội Sắn Việt Nam (VICAAS), hiện nay số tiền thuế VAT mà doanh nghiệp chưa được hoàn hiện lên đến 700 tỷ đồng. Trong khi thống kê của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ cũng có hơn 6.100 tỷ đồng tổng số tiền thuế VAT chưa được hoàn, trong đó ngành dăm gỗ chiếm gần 2/3.

Chính phủ mới đây yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương rà soát các quy định pháp luật để sửa đổi, hướng dẫn trong trường hợp cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi, thủ tục nhanh, gọn cho doanh nghiệp, bảo đảm thời gian hoàn thuế giá trị gia tăng nhanh nhất.

Tuy nhiên, theo ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST): “Đây chỉ là con số ước tính, thực tế, số tiền chưa được hoàn thuế có thể còn tăng gấp đôi vì nhiều doanh nghiệp e ngại lên tiếng với cơ quan thuế, hải quan, âm thầm chịu đựng. Mặc dù thời gian qua, ngành Thuế đã tích cực đưa ra một số giải pháp tháo gỡ nhưng việc hoàn thuế VAT cho các doanh nghiệp vẫn cần những giải pháp thực chất, hiệu quả hơn”.

Cán bộ thuế sợ sai sót, liên đới

Theo ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế, để xảy ra tình trạng chậm hoàn thuế, cả cơ quan thuế và doanh nghiệp đều có lỗi. Lỗi của doanh nghiệp là không biết chắc chắn nguồn hàng mua vào ở đâu. Không kiểm soát được người mua hàng khi không rõ đâu là hàng thật, hàng giả, người tốt hay không tốt…

Nêu ví dụ về ngành gỗ, cần truy xuất nguồn gốc, ví dụ gỗ lát sàn truy xuất xem có đúng nguồn gốc rừng trồng hay rừng bảo tồn, có đủ hoá đơn chứng từ hay gỗ nhập lậu. Việc mua gỗ sẽ bị truy ngược trở lại đến F0 để tìm ra đúng chính xác nguồn gốc sản phẩm khiến việc hoàn thuế chậm lại.

Ông Phụng cho rằng, trong hoàn thuế, hiện nay có hai quan điểm: Một là doanh nghiệp sai một hoặc hai hồ sơ khai thuế, cơ quan thuế ngừng lại tất để cho an toàn. Quan điểm thứ 2 là sai đến đâu, gạt ra đến đó, những cái nào không sai thì cần hoàn cho doanh nghiệp.

“Nhiều năm trước, ngành thuế thường áp dụng quan điểm thứ 2 để hoàn thuế cho doanh nghiệp nên việc hoàn thuế sẽ nhanh. Tuy nhiên, từ vụ hoàn thuế trước kiểm tra sau của Công ty CP phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House) đã tác động lớn đến tâm lý của cán bộ thuế khi hàng chục cán bộ thuế, hải quan dính sai phạm, liên đới sai phạm bị khởi tố điều tra vì hoàn thuế. Vì vậy, dường như cán bộ thuế làm chặt hơn để an toàn nhất cho mình, dẫn đến hoàn thuế VAT diễn ra chậm”, ông Phụng chia sẻ.

Nhiều ý kiến cho rằng, chống gian lận thuế, chống sai sót nhưng không phải vì thế mà làm trì hoãn việc hoàn thuế của doanh nghiệp.

Theo PGS, TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), thời gian qua, có một số doanh nghiệp, đặc biệt là trong ngành gỗ và một vài ngành khác đã bị phát hiện cố tình gian lận để chiếm dụng tiền hoàn thuế. Từ đó, các cơ quan quản lý phải có thời gian kiểm tra, xác định lại. “Điều này là cần thiết, tuy nhiên cơ quan thuế cần phải có quy định rõ ràng về thời gian kiểm tra tối đa chứ không thể kéo dài cả năm trời gây đọng vốn, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Thịnh cho hay.

Thanh Hoa

(Theo vnbusiness)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

For security, use of Google's reCAPTCHA service is required which is subject to the Google Privacy Policy and Terms of Use.

I agree to these terms.

Chia sẻ bài viết:

Đăng ký nhận tin

spot_imgspot_img

Nổi bật

Có thể bạn quan tâm
Related