Bị ‘giam’ tiền hoàn thuế, doanh nghiệp than kiệt sức, Tổng cục thuế cam kết gì?

Ngày:

Quốc hội đã yêu cầu tháo gỡ khó khăn trong hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT), Thủ tướng cũng có chỉ đạo, nhưng đến nay căng thẳng giữa cơ quan thuế và doanh nghiệp liên quan đến việc hoàn thuế vẫn chưa có hồi kết, ngày càng lan rộng. Trong bối cảnh đó, Tổng cục Thuế vừa đưa ra cam kết về tiến độ hoàn thuế.

Theo thống kê của Tổng cục Thuế, 7 tháng năm 2023, cơ quan thuế đã ban hành 9.990 quyết định tương ứng số thuế đã hoàn 71.825 tỷ đồng, bằng 39% so với kinh phí hoàn thuế giá trị gia tăng năm 2023 đã được Quốc hội phê duyệt. Con số này cho thấy tiến độ hoàn thuế đang rất chậm.

Doanh nghiệp than đã “hết oxy để thở” 

Hiện giờ nhiều doanh nghiệp khó khăn, sức khỏe bị bào mòn kể từ thời điểm dịch Covid- 19 đến nay, việc tiếp cận tín dụng rất khó khăn. Trong khi đó tiền hoàn thuế VAT là tiền doanh nghiệp nộp vào cho Nhà nước, nhưng việc hoàn lại ách tắc khiến doanh nghiệp không còn “oxy để thở”.

Với câu hỏi nếu chậm hoàn thuế thì trách nhiệm thuộc về ai? Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng, muốn xác định trách nhiệm khi chậm hoàn thuế thuộc về cơ quan thuế hay thuộc về doanh nghiệp, người dân, chúng ta cần phải xem xét đến từng trường hợp cụ thể, hồ sơ cụ thể và từ đó xác định nguyên nhân do đâu. 

-1935-1691639873.jpg

Trong số 142 tỷ đồng Công ty TNHH MTV Thiết bị điện LiOA Đồng Nai đề nghị hoàn thuế, trong 6 tháng qua cơ quan thuế mới hoàn 10 tỷ đồng.

Phản ánh của các doanh nghiệp cho thấy, nguyên nhân được xác định là do cơ quan thuế yêu cầu xác minh nguồn gốc vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, việc trích xuất này diễn ra quá chậm, vì lực lượng xác minh mỏng, nguồn cung lại nhiều và phức tạp. Vì thế có nghịch lý, trong khi doanh nghiệp khó khăn nhưng có đơn hàng cũng không dám nhận bởi nếu mỗi chuyến tàu xuất khẩu với trị giá 100 tỷ đồng, thì khoảng 10 tỷ đồng tiền thuế giữ lại.

Như tại công ty TNHH MTV Thiết bị điện LiOA Đồng Nai, doanh nghiệp này đã phải tạm dừng một số dây chuyền sản xuất vì thiếu tiền mua nguyên liệu. Theo doanh nghiệp, nguyên nhân là do 6 tháng qua doanh nghiệp mới chỉ được Cục Thuế Đồng Nai hoàn 10 tỷ đồng tiền thuế. Trong số 142 tỷ đồng doanh nghiệp đề nghị hoàn thuế, hiện có trên 50 tỷ đồng Cục Thuế cho rằng hóa đơn đầu vào không hợp pháp và có thể phải chuyển cơ quan công an điều tra.

“Hàng hóa mua vào đồng phế liệu phần lớn sử dụng hóa đơn của các doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký thuế. Người nộp thuế ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn thành thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế hoặc tạm ngừng kinh doanh có thời hạn”, ông Đậu Đức Anh, Phó Cục trưởng Cục Thuế Đồng Nai cho biết.

Còn theo ông Nguyễn Thành, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thiết bị điện LiOA Đồng Nai, khi giao dịch thì công ty đã kiểm tra và ngân hàng cũng đã kiểm tra trên cổng thông tin của Tổng cục Thuế thì người ta vẫn hoạt động bình thường nên chúng tôi không thể kiểm soát được. 

“Tôi đề nghị cơ quan thuế hoàn trước kiểm sau. Nếu kiểm tra có dấu hiệu vi phạm thì truy thu”, ông Thành đề nghị. 

Cần tổ chức phiên giải trình chậm hoàn thuế VAT

Ông Mai Xuân Thành, Quyền Tổng cục Trưởng Tổng cục Thuế cho biết, trong thời gian vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc tiếp tục đẩy nhanh công tác giải quyết các hồ sơ hoàn thuế VAT, gần 80% hồ sơ đề nghị hoàn thuế VAT đã được ngành Thuế phân loại thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau và giải quyết nhanh chóng trong vòng 6 ngày làm việc, góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa. 

“Tuy nhiên vẫn còn tình trạng chậm, muộn tại một số địa phương trong việc kiểm tra, xác minh đối với các hồ sơ đề nghị hoàn thuế VAT của các doanh nghiệp xuất khẩu”, ông Thành cho hay.

Tại phiên Thảo luận về công tác dân nguyện được tổ chức mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh hiện nay Quốc hội có nghị quyết chung, Chính phủ đã có chỉ đạo. Đây là trách nhiệm của Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính. Quốc hội, Chính phủ không làm thay.

Ông nhấn mạnh chống gian lận, chống sai sót nhưng không phải vì thế mà làm trì hoãn việc hoàn thuế của doanh nghiệp. Nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp tiếp cận vốn rất khó khăn mà tiền của doanh nghiệp lại không hoàn, kéo dài vài năm. 

“Nếu đặt mình vào vị trí của doanh nghiệp thì có thể sống được không? Đây là vấn đề rất bức xúc đã được báo chí, cử tri nói nhiều, Quốc hội cũng đã có nghị quyết”, ông Huệ nói.

Theo đó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Tài chính – Ngân sách cần giám sát, tổ chức phiên giải trình vấn đề này.

Trong thời điểm cấp bách, Quyền Tổng cục trưởng Cục thuế cam kết: “Đảm bảo đến hết tháng 9 năm 2023, kết quả hoàn thuế VAT đạt và vượt so với cùng kỳ năm 2022”.

Để đảm bảo tiến độ, ông Thành đưa ra 2 giải pháp để đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế. Cụ thể, Cục thuế các địa phương rà soát công tác phân loại hồ sơ đề nghị hoàn thuế đến từng hồ sơ, đặc biệt là hồ sơ đã được phân loại kiểm tra trước, hoàn thuế sau để đẩy nhanh công tác kiểm tra, xác minh điều kiện hoàn thuế.

Giải pháp thứ hai là đối với hồ sơ đủ điều kiện sẽ hoàn thuế ngay. Đối với các hồ sơ đề nghị hoàn thuế của doanh nghiệp xuất khẩu đang được kiểm tra, xác minh mà đã quá thời hạn giải quyết theo quy định, trường hợp kết quả kiểm tra, xác minh đến thời điểm hiện tại chưa phát hiện các hành vi gian lận về thuế thì Cơ quan Thuế căn cứ hồ sơ và các tài liệu kèm theo của doanh nghiệp cung cấp để xác định số thuế đủ điều kiện hoàn thuế và thực hiện giải quyết hoàn thuế theo quy định.

Thanh Hoa

(Theo vnbusiness.vn)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

For security, use of Google's reCAPTCHA service is required which is subject to the Google Privacy Policy and Terms of Use.

I agree to these terms.

Chia sẻ bài viết:

Đăng ký nhận tin

spot_imgspot_img

Nổi bật

Có thể bạn quan tâm
Related